Bảo vệ bản quyền trên không gian mạng: Đâu là "chìa khóa" hữu hiệu?

VHO- Cục Bản quyền tác giả (Bộ VHTTDL) tổ chức Hội thảo “Khai thác và thực thi bản quyền trên không gian mạng” tại TP.HCM vào hôm qua 26.10.

Bảo vệ bản quyền trên không gian mạng: Đâu là

 Vi phạm bản quyền tác giả trong lĩnh vực văn học - nghệ thuật đã trở thành một “vấn nạn”

 Các chuyên gia của nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam đã chia sẻ về việc áp dụng những biện pháp “mạnh tay” để ngăn chặn tình trạng gian lận nói trên. Theo đó, các giải pháp bao gồm việc ứng dụng công nghệ số như phần mềm, linh kiện, các thiết bị khác… để tạo ra “chìa khóa” giúp bảo vệ an toàn dữ liệu về tác phẩm.

Xâm phạm ngày một nhiều trên không gian mạng

Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đã mở ra nhiều cơ hội nhưng cũng đặt ra nhiều thách thức trong việc tự bảo vệ quyền của các chủ thể và hoạt động của các cơ quan quản lý, thực thi về QTG, QLQ, nhất là trong bối cảnh hành vi vi phạm bản quyền trên không gian mạng có sự tham gia của nhiều chủ thể từ các quốc gia khác nhau, gây khó khăn cho việc xác định và xử lý hành vi vi phạm trong thẩm quyền tài phán quốc gia.

Phó Cục trưởng Cục Bản quyền tác giả Phạm Thị Kim Oanh khẳng định, bảo hộ QTG, QLQ có vai trò ngày càng quan trọng, nhưng cũng có những thuận lợi và khó khăn trong công tác bảo hộ QTG, QLQ trên không gian mạng. “Vẫn còn những nhận thức chưa đầy đủ của các cấp, các ngành và của cá nhân, tổ chức về vai trò của QTG, QLQ, đặc biệt là ý thức chấp hành pháp luật chưa cao của không ít cơ quan, tổ chức và cá nhân. Vẫn còn nhiều đối tượng vì lợi ích cá nhân mà xâm hại tới quyền lợi hợp pháp của tác giả, chủ sở hữu quyền. Một số tác giả, chủ sở hữu quyền chưa nắm vững các quy định pháp luật, chưa chủ động áp dụng các biện pháp để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình. Việc xử lý hành vi xâm phạm về QTG, QLQ còn hạn chế, chưa đủ sức răn đe, ngăn ngừa”, bà Oanh nói.

Cũng tại Hội thảo, nhiều đơn vị chuyên sản xuất, cung cấp nội dung trên không gian mạng đã nêu ra những thực trạng trong việc khai thác và thực thi QTG, QLQ trên không gian mạng trong thời gian qua. Đại diện Công ty TNHH Công nghệ Wewe - Ứng dụng sách nói Voiz FM cho biết, với sự giúp sức của công nghệ, việc vi phạm bản quyền xuất bản phẩm, đặc biệt là sách nói, còn diễn ra nhanh và rộng hơn, vì chỉ cần vài thao tác scan chụp hoặc tải, các file sách ebook và sách nói đã có thể bị chia sẻ tràn lan, không chỉ thiệt hại trực tiếp đến các đơn vị xuất bản điện tử, mà còn tác động gián tiếp đến động lực mua sách giấy của khách hàng. Bên cạnh sách nói, thời gian gần đây trên không gian mạng đã xuất hiện rất nhiều hành vi vi phạm bản quyền trong lĩnh vực điện ảnh. Trên thực tế, những vi phạm trong lĩnh vực này diễn ra ngày càng phổ biến và tinh vi, khó phát hiện, khó kiểm soát.

“Dựa trên những thực tế chúng tôi gặp phải trong quá trình sản xuất, kinh doanh các tác phẩm điện ảnh là video phim hoạt hình, có thể thấy bản quyền đối với các tác phẩm điện ảnh dễ dàng bị xâm phạm thông qua các nhóm hành vi điển hình như: Sử dụng tác phẩm điện ảnh để đăng tải, truyền đạt đến công chúng mà không được phép của chủ sở hữu trên các nền tảng mạng xã hội và nền tảng khác; Sao chép, cắt xén, chỉnh sửa các tác phẩm điện ảnh, sau đó đăng tải lên không gian mạng gây phương hại đến quyền và lợi ích của chủ thể quyền; Lạm dụng việc bảo vệ quyền SHTT thông qua cơ chế xóa, gỡ nội dung vi phạm gây thiệt hại nghiêm trọng và tạo nên sự cạnh tranh không lành mạnh”, ông Phạm Văn Anh, luật sư, Trưởng phòng Pháp chế Công ty TNHH Đầu tư công nghệ và Dịch vụ Sconnect Việt Nam cho biết.

“Chìa khóa” bảo vệ an toàn

Tại hội thảo, các chuyên gia của nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam đã chia sẻ về việc áp dụng những biện pháp “mạnh tay” để ngăn chặn tình trạng gian lận nói trên. Theo đó, các giải pháp bao gồm việc ứng dụng công nghệ số như phần mềm, linh kiện, các thiết bị khác… để tạo ra “chìa khóa” giúp bảo vệ an toàn dữ liệu về tác phẩm.

Với sự phát triển của các nền tảng streaming âm nhạc và trang web chia sẻ video trực tuyến, việc quản lý bản quyền âm nhạc trở nên phức tạp hơn bao giờ hết. Tại Hội thảo, đại diện Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam (VCPMC) cho biết, đã ứng dụng công nghệ số để theo dõi, khai thác, quản lý việc sử dụng các tác phẩm âm nhạc trên không gian mạng để tối ưu hóa và đã đem lại hiệu quả trong việc quản lý quyền tác giả trên môi trường Internet. Đặc biệt, bao gồm cả việc yêu cầu loại bỏ nội dung vi phạm bản quyền, bảo vệ bản quyền trên không gian mạng. Đại diện VCPMC cho biết thêm, bên cạnh các giải pháp đến từ các cơ quan quản lý nhà nước, các chủ thể quyền cũng cần phải chủ động tìm biện pháp để tự bảo vệ mình. Trong đó, có thể áp dụng các giải pháp công nghệ đã có sẵn của các nền tảng như Contend ID của Youtube, công nghệ Right manager của Facebook… áp dụng hoặc phát triển các nền tảng khác để tracking (truy dấu) hành vi xâm phạm. Nếu có thể tìm ra được hành vi xâm phạm ở đâu thì sẽ vô hiệu hóa tại đó, để làm được điều này đòi hỏi các chủ thể quyền cần phải cá nhân hóa các thông tin, nội dung trước khi đăng tải, đưa lên môi trường số.

Cũng chia sẻ về giải pháp ngăn chặn, ông Minkowski Simon, Trưởng phòng bảo vệ bản quyền Tập đoàn Canal+ cho biết: “Cần phải rút ngắn thời gian tiến hành chặn nhanh nhất có thể. Tuy việc chặn các trang web là quan trọng nhưng việc chặn các máy chủ phát lậu cũng vô cùng quan trọng và vì thế phải chặn các địa chỉ IP bởi vì các máy chủ không có DNS. Và để tăng nhận thức của cộng đồng, ngoài việc chặn tên miền chúng ta có thể chuyển hướng họ tới một trang web nêu rõ rằng trang web họ đang cố truy cập là trang web lậu và hướng họ tới những dịch vụ hợp pháp”. Còn theo ông Aaron Herps, Trưởng phòng bảo vệ bản quyền Khu vực châu Á - Thái Bình Dương, Trưởng ban tổ chức Giải bóng đá ngoại hạng Anh, cách thức giải quyết các đơn vị vi phạm bản quyền tại Việt Nam là dùng công nghệ bảo vệ các chương trình phát sóng, sử dụng công nghệ lọc thông tin trên internet để phát hiện những đơn vị vi phạm. Sau đó, sẽ gửi thông tin đến các bên cung cấp dịch vụ để gỡ bỏ nội dung.

Cùng với đó, theo đại diện Voiz FM, thời gian tới cần có những chiến dịch tuyên truyền nâng cao nhận thức của công chúng về tầm quan trọng của việc tôn trọng và bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ. Đồng quan điểm với đề xuất trên, Phó Cục trưởng Cục Bản quyền tác giả Phạm Thị Kim Oanh cũng cho rằng, ngoài con người vận hành, hành lang pháp lý thì ý thức của người dân về việc bản quyền cần phải được nâng cao hơn bao giờ hết. “Mỗi cá nhân có thể lựa chọn tiếp cận những tác phẩm khác nhau, nhưng hãy trên tinh thần tôn trọng sự sáng tạo và trí tuệ của người sáng tác và chủ sở hữu quyền sáng tác”, bà Oanh nhấn mạnh.

Cục trưởng Cục Bản quyền tác giả, ông Trần Hoàng cho biết, đây là dịp để các cán bộ quản lý, thực thi QTG, QLQ, các tổ chức đại diện tập thể QTG, QLQ, các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trung gian, các đơn vị sản xuất, khai thác, sử dụng nội dung số tiếp nhận các quy định pháp luật mới về QTG, QLQ trên môi trường số; trao đổi, thảo luận góp ý cho việc thực thi bản quyền trên không gian mạng. Từ đó, góp phần đưa pháp luật Sở hữu trí tuệ đi vào cuộc sống, góp phần nâng cao nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật về quyền tác giả, quyền liên quan, thúc đẩy các hoạt động sáng tạo và bảo hộ thành quả sáng tạo và phát triển các ngành công nghiệp văn hóa quốc gia. 

 HỒNG HẠNH

Ý kiến bạn đọc